Lời giới thiệu
BÁO CÁO
Báo cáo kết quả triển khai xây dựng Trung tâm tư liệu – Thư viện
Tòa án nhân dân tối cao
Với nhận thức về vai trò, ý nghĩa của việc lưu trữ, khai thác tư liệu, thông tin, lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao đã quyết định thành lập Trung tâm tư liệu – Thư viện Tòa án nhân dân tối cao trở thành trung tâm tri thức về khoa học tư pháp, xứng tầm với vị thế, vai trò của Tòa án nhân dân trong giai đoạn cải cách tư pháp và trong xu thế hội nhập quốc tế. Trung tâm tư liệu - Thư viện Tòa án nhân dân tối cao sẽ được xây dựng là trung tâm tư liệu, thư viện chuyên ngành với nguồn tài nguyên thông tin chuyên sâu về Tòa án và pháp luật, cung cấp thông tin, tài liệu nghiên cứu một cách đầy đủ, tin cậy, kịp thời, chuyên nghiệp, hiện đại phục vụ nhu cầu thông tin của các Tòa án, các đơn vị cũng như của các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nhằm nâng cao chất lượng hoạt động xét xử của Tòa án. Trung tâm sẽ là một điểm đến của quan khách quốc tế, quan khách ngoại giao khi đến thăm trụ sở Tòa án nhân dân tối cao.
I. Mục tiêu xây dựng Trung tâm
Căn cứ Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 và Luật Thư viện năm 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành, Trung tâm tư liệu - Thư viện Tòa án nhân dân tối cao được thành lập sẽ tập trung thực hiện một số mục tiêu lớn:
Thứ nhất, tăng cường vai trò là trung tâm tri thức khoa học tư pháp để hỗ trợ Tòa án trong việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của cơ quan thực hiện quyền tư pháp duy nhất. Theo đó, theo thời gian quy mô của Trung tâm dự kiến sẽ được nâng cao, ngang tầm với nhiệm vụ.
Thứ hai, mở rộng mối quan hệ hợp tác với các thư viện trong và ngoài nước, với các cơ quan nghiên cứu, các trung tâm lưu trữ để tận dụng nguồn tài nguyên tri thức phục vụ cho việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Tòa án.
Thứ ba, nghiên cứu, biên soạn, phát hành các ấn phẩm chuyên ngành về hoạt động xét xử của Tòa án.
II. Phương thức, cơ cấu tổ chức
- Phương thức tổ chức:
Trung tâm được hoạt động theo 2 phương thức:
+ Phương thức truyền thống: Quy mô của Trung tâm trong thời gian tới, phải có khoảng 50.000 cuốn sách với 10.000 đầu sách; Các đầu sách bao gồm hệ thống hóa các Văn kiện Đại hội Đảng, Hiến pháp, các bộ luật, luật qua các thời kỳ trong và ngoài nước, các văn bản quy phạm pháp luật, án lệ, tài liệu tập huấn nghiệp vụ, giải đáp vướng mắc, công văn nghiệp vụ; các sách so sánh, chỉ dẫn, bình luận, nghiên cứu pháp luật chuyên khảo của các tác giả, nhà xuất bản có uy tín. Ngoài ra, Trung tâm sẽ tập hợp các Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán, các Đề tài, Đề án khoa học của Tòa án nhân dân tối cao từ trước đến nay; các luận văn thạc sỹ, luận án tiến sỹ luật học của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động công tác tại Tòa án; các tạp chí chuyên ngành luật; giáo trình của các cơ sở đào tạo luật... Bên cạnh đó, để giúp cán bộ, công chức, người lao động trong cơ quan thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng, Trung tâm cũng sẽ trang bị một số đầu sách về văn học, nghệ thuật, đời sống văn hóa, kinh tế, xã hội.
+ Phương thức Thư viện số: Ngoài phương thức thư viện truyền thống, Trung tâm còn được thiết kế, hoạt động với phương thức số hóa. Thư viện số là một bộ phận cấu thành Trung tâm, có tài nguyên thông tin được xử lý, lưu giữ dưới dạng số mà người sử dụng có thể truy cập, khai thác thông tin qua thiết bị điện tử và không gian mạng. Nội dung gồm các sách và tư liệu được số hóa; cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật mới. Thư viện số sẽ phục vụ tại chỗ hoặc từ xa cho Lãnh đạo, thành viên Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống. Thư viện số được xây dựng bằng phần mềm và trang web chuyên nghiệp, được liên kết với Cổng Thông tin điện tử, Trang Thông tin công bố bản án, quyết định của Tòa án và Trang tin điện tử về án lệ của Tòa án nhân dân tối cao…
Trong tương lai, Thư viện số sẽ được liên thông với các thư viện số trong và ngoài nước như Thư viện Quốc hội Việt Nam, Thư viện Quốc gia … để chia sẻ nguồn tài nguyên thông tin, tư liệu.
2. Cơ cấu tổ chức
Trung tâm sẽ được tổ chức theo mô hình cấp Phòng trực thuộc Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học Tòa án nhân dân tối cao.
III. Kết quả đạt được
Trong thời gian gần 3 tháng gấp rút triển khai, lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao đã chỉ đạo các đơn vị hoàn thành một số công việc sau:
- Hoàn thành việc xây dựng Đề án thành lập Trung tâm;
- Hoàn thành việc xây dựng Quy chế hoạt động của Trung tâm;
3. Thu thập các tuyển tập văn kiện của Đảng, các sách về các lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
4. Thu thập các thông tin, tư liệu là các văn bản quy phạm pháp luật do Tòa án nhân dân tối cao chủ trì soạn thảo, ban hành như: Bộ luật, Luật, Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; các quyết định giám đốc thẩm; các án lệ; các giải đáp nghiệp vụ, các đề án, đề tài khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ đã được nghiệm thu, các luận văn, luận án tiến sỹ luật học; các đầu sách nghiên cứu, bình luận chuyên sâu về các lĩnh vực pháp luật hình sự, dân sự, hành chính, kinh doanh, thương mại, lao động, hôn nhân và gia đình.
5. Kiểm kê, phân loại, phân khu, biên mục, xếp giá các loại sách, tư liệu, luận văn, luận án, đề tài, đề án;
6. Triển khai việc mua sắm sách, tư liệu, trang thiết bị, máy móc và các điều kiện cơ sở vật chất khác để bảo đảm cho việc vận hành Trung tâm.